Thư viện ảnh
Thống kê truy cập
Hôm nay : 0
Hôm qua : 4
Tháng 11 : 89
Tháng trước : 86
Năm 2024 : 798
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Nông dân Điện Bàn thi đua sản xuất

Phong trào nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi (SXKDG) ở thị xã Điện Bàn không chỉ được nhân rộng mà còn đi vào chiều sâu, góp phần hiện thực hóa nhiều mục tiêu quan trọng của địa phương.

Ông Nguyễn Đình Lắm cho biết, thời gian tới sẽ đưa bò ra chăn nuôi tập trung ngoài đồng. Ảnh: C.TÚ
Ông Nguyễn Đình Lắm cho biết, thời gian tới sẽ đưa bò ra chăn nuôi tập trung ngoài đồng. Ảnh: C.TÚ

Nhiều gương tiêu biểu

Theo Hội Nông dân (HND) xã Điện Thọ, qua khảo sát tại địa phương cho thấy có nhiều mô hình kinh tế tiêu biểu, cá nhân điển hình có quy mô sản xuất đa dạng, ổn định, thích ứng với cơ chế thị trường, sản xuất có lãi, đời sống người lao động được cải thiện, vượt qua khó khăn vươn lên làm giàu chính đáng. Điển hình ở thôn Phong Thử 1, nắm bắt từ thực tế nhu cầu sử dụng sản phẩm nấm rơm, nấm bào ngư của người tiêu dùng, hộ Phan Quang Phụng mạnh dạn đầu tư gia trại, tận dụng nguồn phụ phẩm của nông nghiệp. Hiệu quả mô hình mang lại thu nhập cho ông mỗi năm hàng trăm triệu đồng.

Với hộ Huỳnh Phận (thôn Kỳ Lam) lại theo đuổi nghề trồng hoa, cây cảnh, lợi nhuận thu được từ 150 - 180 triệu đồng/năm. Cũng ở thôn Kỳ Lam, việc phát triển mô hình trang trại của ông Nguyễn Đức Sơn cho thu nhập 400 - 500 triệu đồng. Chăn nuôi kết hợp với trồng trọt - ngành nghề - dịch vụ; thâm canh xen vụ; cải tạo vườn tạp; nuôi cá nước ngọt kết hợp với chăn nuôi; dịch vụ nấu ăn là các mô hình đem lại hiệu quả kinh tế, giải quyết việc làm tại chỗ cho người dân xã Điện Thọ.

Về thôn Bảo An (xã Điện Quang), người dân đều khâm phục tính cần cù, chịu khó và ham học hỏi, áp dụng khoa học kỹ thuật vào trồng trọt, chăn nuôi của hộ ông Nguyễn Đình Lắm. “Tôi vừa gieo xong 5 sào bắp nếp, chuẩn bị gieo tiếp 10 sào nữa. Vụ đông xuân vừa rồi, tôi canh tác tổng cộng 12 sào, giá bán một sào bình quân 3,5 triệu đồng” - ông Lắm cho hay. Cạnh đó, gia đình trồng 5 sào ớt vụ đông xuân và may mắn năm nay được giá, ít bệnh nên đến vụ hè thu vẫn đang ra trái. Đồng thời làm thêm 5 sào lúa để có gạo ăn; trồng 3,5 sào cỏ lấy thức ăn cho 6 con bò thịt. Để có đủ diện tích đất canh tác, ông Lắm thuê lại hộ có đất liền kề không có khả năng lao động hoặc chuyển sang ngành nghề khác.

Trao đổi với chúng tôi, ông Phan Hữu Nguyên - Chủ tịch HND xã Điện Quang cho hay, ông Lắm rất tích cực tham gia các lớp tập huấn về trồng trọt, chăn nuôi do HND xã phối hợp tổ chức. Đồng thời luôn xung phong nhận làm thử nghiệm giống mới nếu các công ty có lời mời. Ngoài ông Lắm, trên địa bàn xã còn xuất hiện gương điển hình trong SXKDG như ông Phan Xang (thôn Bến Đền). Ông Xang là người đi tiên phong trong thực hiện mô hình “Khu chung cư cho bò”, tức làm chỗ ở cho bò ngoài đồng để chăm nuôi, tránh xa khu dân cư khỏi gây ô nhiễm.    

Chuyển biến tích cực

“Phong trào nông dân SXKDG trên địa bàn thị xã có những chuyển biến tích cực, gồm nhiều mô hình mới mang lại hiệu quả. Điều đáng mừng là phong trào lan tỏa khắp các vùng, đi vào chiều sâu, góp phần xây dựng, nâng cao chất lượng nông thôn mới và đô thị” - Phó Chủ tịch HND thị xã Điện Bàn, ông Nguyễn Tam Chương đánh giá.

Có thể nói, nông dân sinh sống tại 7 phường của thị xã hôm nay đã góp phần tích cực trong quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế - cây trồng và con vật nuôi trên địa bàn. Với nông dân phường Vĩnh Điện, ngoài sản xuất cây lúa, cây rau màu thực phẩm, họ còn trồng hoa và các loại cây cảnh có giá trị kinh tế cao, phát triển chăn nuôi gắn với xay xát, chế biến thức ăn gia súc, sản xuất hàng mộc, sản xuất nông cụ phục vụ nông nghiệp… Trong lúc nông nhàn, gia đình bố trí lao động để buôn bán rau màu, thực phẩm, làm nem chả, bánh chưng, bánh mỳ, bánh tráng, trồng sen và gia công hạt sen tăng thu nhập. Qua đánh giá cho thấy, Vĩnh Điện có 114 hộ (323 nhân khẩu) đạt danh hiệu nông dân SXKDG các cấp, chiếm 46,5% tổng số hộ nông dân toàn phường.

Những năm gần đây, đời sống của các hộ nông dân Lê Tự Dũng (khối phố Quảng Lăng B) hay Đặng Hữu Tiến (khối phố Quảng Lăng A) ở phường Điện Nam Trung đã sung túc hẳn lên. Có được điều này do gia đình tập trung nuôi cá nước ngọt, nuôi ếch, cá lóc đem lại hiệu quả kinh tế cao, với mức thu nhập hơn 100 triệu đồng/năm. Còn hộ Lê Đình Khoa (khối phố 5, Điện Nam Trung) đã trồng cây cảnh và cung cấp ra thị trường, đem lại cho gia đình mỗi năm hàng trăm triệu đồng.

Qua thực tế khảo sát và bình chọn, Điện Nam Trung có 914 hộ đạt danh hiệu nông dân SXKDG các cấp. Những hộ này dám nghĩ, dám làm, nhạy bén với cơ chế thị trường, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và công nghệ mới, không ngừng tăng năng suất lao động, hiệu quả kinh tế trên đơn vị diện tích. Ngoài ra, họ còn nhiệt tình giúp đỡ hộ nghèo, cận nghèo, hộ khó khăn, chia sẻ kinh nghiệm làm kinh tế, góp phần thay đổi diện mạo nông thôn mới hiệu quả.

CÔNG TÚ


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...

Văn bản mới
Thăm dò ý kiến
Nội dung thông tin cung cấp trên cổng thông tin điện tử:
Video Clip